Kiến nghị Chính phủ gỡ khó hoạt động vận tải do đội giá nhiên liệu
Bộ GTVT vừa có báo cáo Thủ tướng về đánh giá những tác động của biến động giá nhiên liệu đối với giá dịch vụ vận tải các lĩnh vực giao thông.
Chi phí vận tải tăng đột biến do đội giá nhiên liệu
Báo cáo do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký cho biết, trong lĩnh vực đường bộ, thông thường, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% - 35% chi phí của hoạt động vận tải đường bộ. Tuy nhiên, cùng với mức tăng của giá xăng, dầu hiện nay, chi phí nhiên liệu đã chiếm tới 40% - 45% chi phí của vận tải đường bộ.
Ngoài ra, đường bộ cũng là lĩnh vực nhạy cảm nhất với biến động giá nhiên liệu. Các dịch vụ vận tải đường bộ cũng thường phản ứng tức thì với với biến động giá nhiên liệu: các doanh nghiệp vận tải thường đưa ra phương án điều chỉnh giá dịch vụ ngay sau khi có thông tin điều chỉnh giá xăng dầu. Tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong giá cước dịch vụ vận tải đường bộ hiện khoảng 38% - 40%, cao nhất trong các phương thức vận tải hiện nay).
Các doanh nghiệp vận tải đường bộ cũng có xu hướng đề xuất điều chỉnh giá cước vận tải ngay khi giá nhiên liệu đầu vào thay đổi.
Theo số liệu khảo sát tháng 2-3/2022, ứng với mức tăng giá xăng dầu hiện nay và kết hợp cả ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khoảng 80%-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đều đã kê khai điều chỉnh tăng giá cước vận tải đề bù đắp chi phí nhiên liệu với mức tăng từ 10% - 15% (tùy theo cự ly tuyến cố định) và giá cước vận tải hàng hóa cũng được điều chỉnh tăng từ 7% - 10%.
Đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng tại các đô thị bằng xe buýt hầu hết hiện nay đều được trợ giá, do đó giá vé vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn được giữ ổn định, tuy nhiên, chi phí phát sinh do tăng giá nhiên liệu sẽ tăng chi phí trợ giá.
Ở lĩnh vực đường sắt, theo kế hoạch vận tải năm 2022 của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chỉ chiếm 21,5%, tuy nhiên do tác động của việc tăng giá nhiên liệu, hiện nay tỷ lệ này đã lên đến 29% và làm tăng chi phí vận tải lên 15% - 20% so với kế hoạch ban đầu.
Tuy nhiên, do hiện nay hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đang cạnh tranh về giá dịch vụ so với các phương thức vận tải khác. Do đó, giá cước vận tải hành khách của ngành đường sắt vẫn giữ ổn định so với trước thời điểm biến động giá nhiên liệu nhằm thu hút hành khách đi tàu và góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của ngành.
Đối với hoạt động vận tải hàng hóa, do đặc thù về hiệu quả sử dụng nhiên liệu của ngành đường sắt so với các phương thức khác, do đó mức tăng giá cước vận tải hàng hóa chỉ từ 3% - 5%.
Nhiều hãng tàu đã điều chỉnh tăng phụ thu giá nhiên liệu
Ở lĩnh vực đường thủy nội địa, chi phí nhiên liệu hiện nay đang chiếm khoảng 45% - 50% chi phí vận tải và 32% - 35% giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa. Để bù đắp cho mức tăng của giá nhiên liệu, giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ.
Nhà tài trợ
Xe Tải, Đầu Kéo ISUZU GIGA Nhật Bản- Đẳng Cấp Cao - Nâng Tầm Doanh Nghiệp
Trong lĩnh vực hàng hải, giá cước vận tải biển quốc tế bắt đầu gia tăng trên toàn thế giới từ cuối năm 2020 do biến động của dịch bệnh Covid-19 tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là tuyến vận tải đi châu Âu và châu Mỹ.
Theo báo cáo về chỉ số giá cước container toàn cầu (nguồn Drewry World Container Index), giá cước đạt đỉnh cao nhất vào tháng 9/2021 và giảm dần, đến nay mức giá giảm khoảng 20-25% so với thời kỳ đỉnh điểm.
Trong đầu năm 2022, khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine xảy ra, giá nhiên liệu tăng cao trên toàn thế giới, đạt mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đối với lĩnh vực vận tải biển, giá nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí, khoảng 35-45%, do vậy giá nhiên liệu tăng sẽ ảnh hướng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp vận tải.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Drewry World Container Index, tại thời điểm cuối tháng 3/2022, chỉ số giá cước vận tải vẫn tiếp tục giảm 3,8% so với tuần trước đó.
Theo quy định tại Nghị định 146 ngày 2/11/2016 của Chính phủ về niêm yết cước vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển, theo báo cáo và thông báo niêm yết giá cước của hãng tàu container đến thời điểm này, hầu hết các hãng tàu chưa điều chỉnh tăng giá cước vận tải theo giá nhiên liệu, tuy nhiên có một số hãng tàu đã điều chỉnh tăng phụ thu giá nhiên liệu từ tháng 3/2022 (như hãng tàu Yangming, hãng tàu SITC).
"Đến nay, giá cước vận tải biển chưa bị tác động nhiều bởi giá nhiên liệu, tuy nhiên giá nhiên liệu tăng cao và kéo dài có thể sẽ tác động đến giá cước vận tải biển trong thời gian tới", báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ.
Trong lĩnh vực hàng không, theo báo cáo của các hãng hàng không, hiện nay, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng khoảng 30% - 42% tổng chi phí chuyến bay của các hãng hàng không. Giai đoạn cuối tháng 3/2022 khi đà tăng của giá dầu thô có dấu hiệu chững lại thì giá Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao.
Theo dữ liệu thống kê của IATA ngày 01/04/2022, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á lên tới 132,63 USD/thùng, dự báo giá Jet A1 bình quân năm 2022 là 121,9 USD/thùng. Để giải quyết cơ bản ảnh hưởng của biến động giá Jet A1 đối với các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã tổng hợp ý kiến của các hãng hàng không và đề xuất Bộ GTVT xem xét phương án điều chỉnh tăng mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa tại Thông tư 17/2019/TT BGTVT.
Trước mắt, trong giai đoạn chưa điều chỉnh tăng mức giá tối đa, do giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt nên các hãng hàng không vẫn có thể chủ động điều chỉnh các mức giá và tỷ lệ bán vé tương ứng với từng mức giá để giảm thiểu tác động về chi phí do biến động giá nhiên liệu.
Đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó hoạt động vận tải
Theo Bộ GTVT, trong tình hình biến động giá nhiên liệu tăng cao, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm kiểm soát và hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân và doanh nghiệp như Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 thông qua ngày 24/3/2022, áp dụng từ ngày 1/4/2022; sử dụng Quỹ bình ổn giá để điều tiết giá xăng phù hợp với diễn biến của thị trường; triển khai các giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như trong năm 2022, áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%), gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất,…
Tuy nhiên, để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn này, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt, phí ra vào vùng nước cảng biển, cảng thủy nội địa; đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các địa phương xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển; phí đậu, đỗ đón khách tại nhà ga, bến cảng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách giá dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng không nhằm hỗ trợ các hãng hàng không.
Cuối cùng, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các gói phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11 ngày 30/1/2022 của Chính phủ, Công điện 291 ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên doanh nghiệp vận tải tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ.
QUÝ KHÁCH CÓ THỂ THAM KHẢO GIÁ VÀ CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI XE TẢI, ĐẦU KÉO ISUZU GIGA TẠI ĐÂY
Theo:tapchigiaothong