Nhầm lẫn về trọng tải, khối lượng trong quy chuẩn 41/2019
Từ ngữ trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia vừa ban hành dễ khiến hiểu nhầm trọng tải và khối lượng xe.
Quy chuẩn 41/2019 về báo hiệu đường bộ mới ban hành có hiệu lực ngày 1/7/2020. Sau khi soát xét lại quy chuẩn cũ, quy chuẩn mới sẽ có những điều chỉnh, bổ khuyết, tiến bộ hơn. Tôi muốn đề cập đến các từ ngữ trong quy chuẩn mới, ở đoạn trích "Điều 3 - Giải thích từ ngữ" sau đây:
3.19. Trọng tải bản thân xe là khối lượng bản thân của xe, đo bằng kilôgam (kg) hoặc tấn (t) ở trạng thái tĩnh được ghi theo thông số quy định trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không kể đến khối lượng người trong xe và khối lượng hàng hóa trên xe.
3.20. Trọng tải toàn bộ xe (tổng trọng tải) là bằng khối lượng bản thân xe cộng với khối lượng của người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe (nếu có).
3.21. Trọng tải toàn bộ xe cho phép là bằng trọng tải bản thân xe cộng với khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
3.22. Tải trọng trục xe là phần của trọng tải toàn bộ xe phân bổ trên mỗi trục xe (trục đơn, cụm trục kép, cụm trục ba).
Từ ngữ được giải thích ở Điều 3 có ảnh hưởng rất lớn, bởi nó sẽ được dùng trong toàn bộ Quy chuẩn này và các văn bản khác về sau.
Nhà tài trợ
XE SIAM TRUCK 990KG BAO TRỌN GÓI CÁC LOẠI PHÍ ĐĂNG KÝ XE VÀ THÙNG XE
Một số nhầm lẫn các từ liên quan đến khối lượng của xe:
Trọng tải là từ mới đưa vào quy chuẩn, nhưng không có giải thích. Tuy nhiên, căn cứ vào đoạn trích ở trên thì trọng tải ở đây chính là khối lượng.
Khối lượng là một đại lượng cơ bản trong hệ đo lường của Việt Nam và quốc tế, được học từ cấp phổ thông cơ sở. Trong khi đó, trọng tải có nghĩa khác; nó là khối lượng có thể chở được của phương tiện vận tải. Ví dụ: Trọng tải của xe là năm tấn (xem Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên). Nói rõ hơn, trọng tải là khối lượng lớn nhất mà xe được phép chở. Cụm từ này chỉ một con số cố định, được nhà thiết kế chế tạo định ra từ đầu, nên nó thuộc hồ sơ của xe và được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định xe.
Như vậy, các cụm từ: trọng tải bản thân, trọng tải toàn bộ, trọng tải toàn bộ xe cho phép và tổng trọng tải ở đoạn trích nói trên đều không đúng. Đơn giản, chỉ cần thay tất cả những từ trọng tải này bằng từ khối lượng.
Trong khi đó, ở 3.21 có cụm từ "khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ". Đây lại chính là trọng tải. Vậy hãy dùng từ trọng tải ngắn gọn và chính xác thay cho cả cụm dài dòng nhắc đi nhắc lại về sau.
Từ tải trọng ở 3.22 là chưa đúng, bởi tải trọng không phải là một đại lượng, mà là một khái niệm rộng để chỉ tập hợp lực tác dụng lên công trình, chẳng hạn nói: tải trọng gió, tải trọng tập trung, tải trọng động, tải trọng uốn, tải trọng thiết kế... Nó không đo bằng tấn (t), mà bằng đơn vị lực như niutơn (N), niutơn trên mét (N/m), pascan (Pa), kilôgam lực (kgf) hay tấn lực (tf). Vì vậy, tải trọng (đại lượng lực) không thể là phần của trọng tải (đại lượng khối lượng), như đã viết ở 3.22. Trên biển báo P.116 (Hình 1) cũng ghi 7 t. Ký hiệu đơn vị tấn (t) ấy chứng tỏ nó phải là khối lượng. Như vậy, 3.22 viết đúng là "Khối lượng trên trục là phần của khối lượng toàn bộ phân bổ trên mỗi trục xe".
Một số từ khác:
Ở mục 3.19 viết "khối lượng người trong xe và khối lượng hàng hóa trên xe", trong khi ở mục 3.20 viết "khối lượng của người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe (nếu có)". Hai cụm từ diễn tả cùng một nghĩa, nhưng trên thì không có "hành lý", dưới lại có thêm "hành lý" và "nếu có". Sự không thống nhất như vậy sẽ dẫn đến tranh cãi giữa người lái xe và cảnh sát giao thông.
Theo tôi thực ra, không nên liệt kê những gì chở trên xe, mà chỉ cần dùng một từ đơn giản: khối lượng chở; nó bao hàm tất cả những gì đang chở trên xe, tức là không kể những gì thuộc về khối lượng bản thân xe.
Cụm từ "Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ" là quá dài dòng, rất phiền phức, khi viết lặp đi lặp lại nhiều lần trong văn bản.
Một mặt, trong quy chuẩn mới đã dùng từ không nhất quán, cùng một đối tượng, nhưng lúc gọi là "xe", lúc gọi là "phương tiện giao thông cơ giới đường bộ"; mặt khác, trong Luật Giao thông đường bộ, Điều 3, Khoản 18 đã gọi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là xe cơ giới. Vậy hoàn toàn có thể viết ngắn thành "Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới". Và sau khi cụm từ đó xuất hiện lần đầu trong văn bản, ta viết ngay "sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận kiểm định xe" sẽ ngắn gọn hơn nữa.
Hy vọng rằng những ý kiến của tôi vừa nêu có thể góp phần làm cho từ ngữ được chính xác, ngắn gọn và thống nhất trong các văn bản pháp quy ngành GTVT. Và quan trọng hơn là để tránh hiểu sai khi xử phạt và không làm nhiễu rối hệ thống thuật ngữ khoa học công nghệ đã có.
THAM KHẢO THÊM CHI TIẾT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI CÁC DÒNG XE TẠI ĐÂY:https://otoansuong.vn/thong-tin-khuyen-mai-o-to-an-suong-cap-nhat-hang-tuan
Theo:vnexpress