Sửa sai bằng… tiền ngân sách
Bộ GTVT vừa có “sáng kiến” lấy tiền ngân sách để trả cho chủ đầu tư một số dự án BOT giao thông khó thu phí vì bị người dân phản ứng. Được cái, Bộ GTVT cũng đã dám thừa nhận rằng, sở dĩ các trạm BOT giao thông này hoạt động khó khăn là do đã “đặt nhầm” vị trí. Nghĩa là đầu tư ở đoạn đường này thì mang trạm thu phí sang con đường khác chặn người đi đường để... nhanh thu hồi vốn.
Dư luận xã hội cho rằng, lẽ ra Bộ GTVT thấy nhầm chỗ thì phải đặt lại cho đúng, chứ không phải đề xuất lấy tiền ngân sách để sửa sai.
Tiền ngân sách từ đâu ra? Đó chính là tiền thuế do người dân đóng góp bằng mồ hôi sức lao động. Vậy thì Bộ GTVT không thể “mượn” tiền thuế của dân để sửa cái sai do chính Bộ này gây ra. Vì sao có sự “đặt nhầm chỗ” các trạm BOT giao thông? Đó không phải là do chính Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thỏa thuận với chủ đầu tư hay sao? Ở đây không có sự nhầm nhọt nào cả, mà đơn giản là các cơ quan quản lý nhà nước đã “ưu ái” cho chủ đầu tư.
Ví dụ như trạm BOT Bỉm Sơn (thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa) đã được đặt “nằm ngoài phạm vi dự án” nên bị người dân phản ứng. Theo giải thích của Bộ GTVT, hiện trên địa bàn có 3 tuyến song hành, gồm quốc lộ 1 qua TP Thanh Hóa, tuyến tránh phía Đông và tuyến tránh phía Tây. Do vậy, nếu đặt trạm thu phí BOT Bỉm Sơn ở đúng nơi doanh nghiệp đã đầu tư, tức là trên tuyến tránh phía Tây thì sẽ không thể bảo đảm hoàn vốn cho dự án. Và đó là lý do để cơ quan quản lý nhà nước “gật” cho chủ đầu tư đặt trạm thu phí “nhầm chỗ”, khiến người dân không đi tuyến tránh cũng mất tiền.
Nhà tài trợ
XE SIAM TRUCK 990KG BAO TRỌN GÓI CÁC LOẠI PHÍ ĐĂNG KÝ XE VÀ THÙNG XE
Tất nhiên, với bất cứ doanh nghiệp nào thì việc đầu tư kinh doanh về bản chất chính là đi buôn. Do vậy, với việc đặt trạm thu phí BOT Bỉm Sơn đúng tuyến tránh phía Tây đồng nghĩa với việc rất lâu mới thu hồi vốn, hoặc thậm chí không thể thu hồi vốn là điều chủ đầu tư dự án không hề muốn. Vì thế doanh nghiệp sẽ có sự “mặc cả, mặc lẽ” với các cơ quan quản lý nhà nước để có được những điều có lợi nhất cho họ, bất biết người dân sẽ ra sao khi bị “đè” ra thu phí.
Vì sợ doanh nghiệp không thu hồi được vốn nên Bộ GTVT không ngần ngại đề xuất lấy tiền ngân sách để trả cho họ. Thử đặt câu hỏi ngược lại với Bộ GTVT rằng: Liệu có cần thiết làm thêm tuyến tránh phía Tây khi đã có Quốc lộ 1 và tuyến tránh phía Đông hay không? Nếu người dân không có nhu cầu sử dụng tuyến tránh phía Tây (khi đặt trạm BOT đúng vị trí) thì việc đầu tư dự án này liệu có phải là sự dư thừa, lãng phí không? Còn nếu tuyến tránh phía Tây là thực sự cần thiết cho hạ tầng giao thông thì kể cả đặt trạm thu phí BOT ở đây người dân vẫn phải đi qua dù có phải mất tiền.
Nếu Bộ GTVT không nghĩ một chiều theo hướng có lợi cho chủ đầu tư, mà thấu hiểu cảm nghĩ của người dân, thì có lẽ đã không có nhiều trạm thu phí BOT giao thông bị phản ứng gây mất trật tự an ninh tại các địa phương đến vậy. Thử hỏi mục tiêu tối thượng của việc xã hội hóa hạ tầng giao thông là gì? Đó là vì Nhà nước muốn nâng cấp chất lượng hạ tầng giao thông tốt hơn phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Song, do ngân sách eo hẹp, không thể đầu tư hết các tuyến đường nên mới kêu gọi xã hội hóa. Nếu vậy có lý gì Bộ GTVT lại lờ quyền lợi của người dân đi?
Về nguyên tắc, trong tất cả các dự án đối tác công tư (PPP), bao gồm cả BT và BOT, thì phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Song, hiện có khá nhiều dự án BOT giao thông lại chỉ đảm bảo lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, chưa đảm bảo lợi ích của người dân. Thậm chí có không ít dự án BOT còn lờ cả lợi ích của Nhà nước, chỉ còn lợi ích của doanh nghiệp đầu tư. Chẳng thế mà Kiểm toán Nhà nước vừa trình Quốc hội đề nghị xử lý hàng nghìn tỷ đồng từ các dự án BT và BOT.
Người dân cũng không hề muốn được hưởng miễn phí từ những dự án BOT giao thông. Song, người dân đòi hỏi chủ đầu tư và nhất là cơ quan quản lý nhà nước cần phải hiểu rõ quy luật cung - cầu tất yếu: Đó là có sử dụng dịch vụ thì mới phải trả tiền. Không sử dụng dịch vụ vì không có nhu cầu hoặc dịch vụ không tốt thì không ai có thể bắt người dân trả tiền cả, thưa Bộ GTVT. Đó chính là lý do tại nhiều trạm BOT giao thông đã phát sinh tình hình mất an ninh trật tự do người dân phản đối đặt nhầm chỗ các trạm thu phí BOT. Đừng để mất lòng dân thêm nữa, đã 2 năm liền Bộ GTVT “đội sổ” bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh rồi.
THAM KHẢO THÊM CHI TIẾT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI CÁC DÒNG XE TẠI ĐÂY:https://otoansuong.vn/thong-tin-khuyen-mai-o-to-an-suong-cap-nhat-hang-tuan
Theo:daidoanket