Vận tải hàng hóa phải có phụ xe: Quy định sao cho phù hợp?
Nhiều ý kiến đồng thuận rằng, cần bổ sung quy định phải có nhân viên phục vụ trên xe vận tải hàng hóa. Nhưng nên quy định theo cách nào để vừa đảm bảo an toàn giao thông, an toàn vận tải, mà không bó buộc và làm khó doanh nghiệp?
Doanh nghiệp vận tải hiện nay không trực tiếp thuê phụ xe mà thường “khoán” cho lái xe một khoản tiền nhất định để lái xe tự thuê phụ xe
Như Kênh VOV Giao thông đã đề cập trong chương trình Sự việc và góc nhìn lần trước, để cắt giảm chi phí, một số doanh nghiệp vận tải, lái xe không thuê thêm phụ xe, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ông Bùi Văn Quản- Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Tp.HCM cho biết, doanh nghiệp vận tải hiện nay không trực tiếp thuê phụ xe mà thường “khoán” cho lái xe một khoản tiền nhất định để lái xe tự thuê phụ xe. Tuy nhiên, một số lái xe muốn tận dụng tiền lương của lơ xe nên họ chấp nhận làm tăng thời gian để tăng thêm thu nhập.
Doanh nghiệp vận tải dù không đồng tình nhưng vẫn phải chấp nhận để “giữ” chân lái xe khi nguồn cung lái xe đang bị thiếu hụt. Tuy nhiên, ông Quản khẳng định, tình trạng này chỉ xảy ra đối với phương tiện chở container và tại một số cự li vận chuyển ngắn.
Hiện nay việc kiểm soát thời gian làm việc của lái xe vận tải hàng hóa chủ yếu dựa vào kết quả dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, nhưng cách này không thể kiểm soát được sức khỏe lái xe.
Đối với việc giám sát thời gian làm việc của lái xe thông qua thiết bị giám sát hành trình, mặc dù có quy định cụ thể, nhưng trên thực tế có tình trạng một số phương tiện lắp đặt mang tính hình thức, trong khi một số hợp tác xã, đơn vị vận tải chưa thực sự sát sao trong việc kiểm soát thời gian làm việc của lái xe. Lái xe Lê Văn Hiền ở Đồng Nai cho biết:
"Luật quy định chạy 4 tiếng liên tục nhưng mà thực tế nếu áp dụng 4 tiếng liên tục chạy đường dài cũng không thể áp dụng được. Bởi vì đường dài chạy Bắc Nam chạy hai tài, tại mỗi kỳ nghỉ được 4 tiếng thì họ chưa kịp ngủ đã phải thức giấc rồi. Cho nên bây giờ mà tài xế đường dài thì người ta chạy liền luôn một lúc là 6 tiếng/ca, còn nếu chạy một mình, lúc nào mệt người ta nghỉ".
Về hướng bổ sung quy định có phụ xe vận tải, LS Phạm Thành Tài- Giám đốc công ty Luật Phạm Danh cho rằng, cần bổ sung quy định phải có nhân viên phục vụ trên xe vận tải hàng hóa giống như quy định hiện nay đối với phương tiện vận tải hành khách:
"Có thể xem xét bổ sung những quy định về số lượng lái xe bổ sung quy định về nhân viên phục vụ đối với từng những chuyến hàng và từng loại xe nhằm đảm bảo thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo điều kiện về sức khỏe để lái xe có thể đảm bảo an toàn".
Một số lái xe cho rằng, việc bắt buộc có thêm phụ xe chắc chắn sẽ làm ”đội” chi phí về nhân công, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của hoạt động vận tải hàng hóa, cũng như sự cạnh tranh của doanh nghiệp. Bởi vậy, nếu có bổ sung quy định này, thì chỉ nên bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng, không nên áp dụng chung đối với tất cả các phương tiện vận tải hàng hóa.
Nhà tài trợ
XE SIAM TRUCK 990KG BAO TRỌN GÓI CÁC LOẠI PHÍ ĐĂNG KÝ XE VÀ THÙNG XE
Đại diện Hiệp hội vận tải hàng hóa Tp.HCM cho rằng, để giải quyết tận gốc của vấn đề này và hạn chế tình trạng “sách nhiễu” của lái xe, cần bổ sung nguồn cung lái xe trọng tải lớn, xe container. Ông Quản nói
"Hiện nay doanh nghiệp nào cũng thiếu từ 20-30% lái xe, xe nằm đậu, thiếu rất trầm trọng nhưng nếu siết chặt cả cái đó thì không có lái xe luôn. Lái xe ở Tp.HCM có đủ nhưng lái xe chạy đi các tỉnh, làm ở miền quê, hay ở các địa phương khác không nhất thiết chỉ chạy ở Tp.HCM".
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ- nguyên cán bộ CSGT, công an thành phố Hà Nội, ngoài bổ sung quy định có thêm phụ xe, các doanh nghiệp vận tải cũng cần phải quản lý chặt chẽ hơn nữa điều kiện sức khỏe của lái xe, tăng cường hoạt động kiểm tra sức khỏe của lái xe trước và trong quá trình lưu thông:
’’Doanh nghiệp khi giao việc giao hàng cho tài xế thì không nhất thiết là khoán cho họ như vậy mà nên có trách nhiệm và lắng nghe các lái xe khác. Trước khi điều xe, giao việc thì nên kiểm tra xem người ta có sử dụng nồng độ cồn không, quan sát và xem có nghiện ma túy không từ đó mới giao phương tiện".
GS- TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên Khoa kinh tế- vận tải - Đại học giao thông vận tải phân tích, lái xe, phụ xe của mỗi loại hình phương tiện đều có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Vấn đề đảm bảo an toàn giao thông là điều cần thiết, song vẫn phải đảm bảo hiệu quả kinh tế cho hoạt động vận tải hàng hóa.
Bởi vậy, bổ sung quy định có thêm phụ xe cần căn cứ vào trọng tải, loại hình phương tiện, những phương tiện trọng tải nhỏ không nhất thiết phải có phụ xe đi cùng, nhưng đối với những phương tiện trọng tải lớn từ 15 tấn trở lên hay xe container thì nên có. GS-TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, trước khi bổ sung thêm các quy định, cần thực hiện khảo sát đầy đủ và đưa ra mức giới hạn nhất định:
"Muốn đưa vào luật là phải có một quy định rất rõ ràng, minh bạch và trong thực tế là cảm thấy ổn, là chấp nhận được. Nếu chúng ta không nghiên cứu một cách đầy đủ mình đưa vào luật sẽ là trở thành một cái mà làm cho các doanh nghiệp vận tải nói chung và thấy năng suất hiệu quả sử dụng tiền này tính cho bình quân đầu người thì nó bị giảm đi".
Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động vận tải hàng hóa liên quan trực tiếp đến sự cạnh tranh của nền kinh tế, nhưng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình trật tự an toàn giao thông.
Việc bổ sung quy định có thêm nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải hàng hóa là cần thiết nhưng cần có sự khảo sát và điều tra kỹ lưỡng, lựa chọn quy định cho một số nhóm phương tiện có nguy cơ rủi ro mất an toàn giao thông cao, hạn chế thấp nhất những tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vận tải.
Nếu bổ sung thêm một điều kiện vận tải, chi phí sẽ đội lên. Chi phí vận tải tăng, ưu thế cạnh tranh và cơ hội làm ăn sẽ giảm
Bổ sung thêm quy định về các trường hợp cần có phụ xe trong hoạt động vận tải hàng hóa có thể làm gia tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, nhưng có ý nghĩa quan trọng đảm bảo cho hoạt động giao thông được an toàn, thông suốt.
Do vậy, việc xây dựng quy định cần được khảo sát ý kiến từ các đơn vị vận tải, lái xe, đảm bảo sự phù hợp ở cả khía cạnh an toàn giao thông lẫn kinh tế.
Bổ sung phụ xe: Cần quy định phù hợp và hơn thế nữa
Báo cáo Logistic năm 2019 của Bộ Công thương cho thấy, vận tải đường bộ đang chiếm khoảng 75% lượng hàng hóa vận tải nội địa Việt Nam. Chi phí tiền lương cho lái xe chiếm khoảng 15% cơ cấu giá thành của loại hình vận tải này, chỉ đứng sau chi phí xăng dầu.
Để giảm giá cước vận tải nhằm tăng sức cạnh tranh, trong điều kiện giá các yếu tố đầu vào thiết yếu khác giữ nguyên, thì trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp vận tải đã phải tự tìm cách tiết giảm, “bớt xén” những thứ mà pháp luật không yêu cầu, trong đó có lương cho phụ xe. Ở góc độ kinh tế, đây là điều đáng cảm thông, vì âu cũng là sự “đặng chẳng đừng”.
Nhưng, như VOVGT đã đề cập, ít nhiều tình trạng này đang làm tăng áp lực cho tài xế, tăng nguy cơ mất an toàn giao thông, thụt lùi chất lượng vận tải, đòi hỏi cơ quan quản lý phải nghiên cứu bổ sung quy định sao cho phù hợp, theo hướng vừa sàng lọc được các yếu tố gây mất an toàn, vừa không “trói chân” doanh nghiệp.
Loại xe nào, khối lượng và chủng loại hàng hóa nào, cự ly vận tải nào thì cần có phụ xe? Để tìm ra đáp án, Bộ Giao thông sẽ cần làm việc, tham vấn kỹ càng từ các hiệp hội vận tải, các doanh nghiệp và tài xế, tham chiếu các quy định quốc tế trên cơ sở cân nhắc điều kiện đặc thù của vận tải trong nước.
Các doanh nghiệp vận tải cần được truyền thông đầy đủ về tầm quan trọng của những quy định này, bằng cứ liệu khoa học và thực tế, để họ thấy rằng, không phải cơ quan chức năng đang làm “khó”, mà chỉ vì muốn tốt cho họ, tốt cho xã hội.
Song, bổ sung thêm một điều kiện vận tải, chi phí sẽ đội lên. Chi phí vận tải tăng, ưu thế cạnh tranh và cơ hội làm ăn sẽ giảm. Ai sẽ giúp doanh nghiệp gỡ bài toán này?
Các báo cáo Logistic nhiều năm qua đã chỉ ra một thực tế, chi phí vận tải đường bộ của Việt Nam còn ở mức cao so với thế giớ là do đa số các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá có quy mô nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, dẫn đến tỷ lệ xe có hàng 2 chiều thấp, tỷ lệ xe chạy rỗng ở mức cao, từ 30-50% số chuyến.
Nghị định 86/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tại bằng xe ô tô cho thấy một nỗ lực nhằm thay đổi sự manh mún này, bằng quy định: chậm nhất đến ngày 1.1.2017 xe kinh vận tải hàng hóa phải có phù hiệu vận tải, mà muốn được cấp phù hiệp thì phải tham gia hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải.
Nhưng từ đó đến nay, gần như chưa có sự chuyển biến đáng kể nào. Sở hữu một vài đầu xe làm ăn thời vụ, đương nhiên chủ thể kinh doanh không có điều kiện, hoặc không mấy quan tâm đến việ bố trí phụ xe.
Một yếu tố khác cũng khiến doanh nghiệp vận tải đau đầu, đó là các chi phí không chính thức nhưng gần như là một thứ “luật bất thành văn” đang âm thầm cộng vào giá vận tải lâu nay, như phí “lót tay” thủ tục, phí đi đường, phí “bôi trơn”... làm doanh nghiệp luôn phải tìm cách tiết giảm các khoản chi khác.
Mức lương 5-10 triệu đồng/tháng cho mỗi phụ xe sẽ là gánh nặng không nhỏ cho doanh nghiệp nếu trở thành khoản bắt buộc phải chi.
Do vậy, để ban hành quy định về các trường hợp cần có phụ xe trong kinh doanh vận tải hàng hóa, thì ngoài sự phù hợp của quy định (cả về yếu tố an toàn giao thông lẫn kinh tế), sẽ cần nhiều điều kiện khác để quy định được thực thi.
Đó là những nỗ lực tái cơ cấu thị trường vận tải, khắc phục tình trạng manh mún nhỏ lẻ thiếu chuyên nghiệp, thiếu hiệu quả.
Đó là yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kết nối hoạt động vận tải qua các sàn giao dịch để giảm thiểu tình trạng chạy rỗng, cạnh tranh không lành mạnh.
Và đó còn là nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, trong sạch hóa đội ngũ thực thi công vụ, để các vấn đề thiết yếu của doanh nghiệp không bị “hóc” chỉ vì gánh nặng “bôi trơn”.
THAM KHẢO THÊM CHI TIẾT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI CÁC DÒNG XE TẠI ĐÂY:https://otoansuong.vn/thong-tin-khuyen-mai-o-to-an-suong-cap-nhat-hang-tuan
Theo:vovgiaothong