Xe tải chỉ chạy đêm ở TP HCM: Cần thực hiện ngay!
Vận tải hàng hóa đường bộ tại TP HCM định hướng chuyển toàn bộ về đêm được nhiều ý kiến đồng tình bởi giúp giảm ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm
Một trong nhiều đầu việc được lãnh đạo UBND TP HCM chỉ đạo ngành giao thông TP gấp rút nghiên cứu năm 2020, từ đó đề xuất thực hiện là chuyển dần hoạt động vận tải hàng hóa về đêm, tức hạn chế và tiến tới cấm xe tải lưu thông ban ngày, kể cả xe tải nhẹ.
Xe tải đang tăng nhanh
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, sản lượng vận tải hàng hóa đường bộ năm 2019 tại TP tăng 5% so với năm 2018. Hàng hóa tăng kéo theo số lượng xe tải đăng ký mới cũng tăng nhanh. Cụ thể, theo thống kê năm 2019, ở TP có gần 11.000 xe tải đăng ký mới.
Hoạt động vận tải hàng hóa vào ban ngày tại TP HCM đang khiến giao thông trở nên bức bối
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong nhiều vấn đề dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường tại TP, có nguyên nhân xuất phát từ hoạt động của xe tải chạy ban ngày. Vận tải hàng hóa tăng trưởng nhanh, trong khi lượng xe cá nhân cũng phát triển chóng mặt, khiến tình hình ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp, không còn riêng trong giờ cao điểm ở các tuyến đường nội thành. Tình trạng kẹt xe khiến người dân mỗi khi ra đường phải chịu cảnh mệt mỏi, tốn thời gian di chuyển, giảm năng suất lao động...
Những vấn đề này dẫn đến chi phí xã hội được đánh giá thiệt hại vô cùng lớn. Năm 2019, TP HCM có 28 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông và hiện nay 15 điểm đang chuyển biến tốt, 7 điểm chuyển biến nhưng tình hình còn phức tạp và 6 điểm không chuyển biến.
Nhà tài trợ
XE ĐẦU KÉO ISUZU 2 CẦU MÁY 380HP
Theo Sở GTVT, giải pháp lâu dài và căn cơ là phát triển hệ thống giao thông công cộng, đồng thời hạn chế xe cá nhân. Để thực hiện cần hàng loạt giải pháp phụ trợ, trong đó một vấn đề được tính đến là chuyển dần hoạt động vận tải hàng hóa về đêm để giảm kẹt xe, tai nạn và ô nhiễm môi trường. Giải pháp này nhằm điều chỉnh khung thời gian ban ngày qua đêm, bởi các tuyến đường nội đô TP ban ngày vốn thường xuyên ùn ứ, trong khi đêm đang khá vắng vẻ.
Một cán bộ Sở GTVT TP cho rằng với định hướng như trên, ngoài việc giảm kẹt xe ở các tuyến đường, kinh tế đêm tại TP cũng sẽ phát triển. Tức khi hoạt động vận tải hàng hóa chuyển toàn bộ về đêm, nhiều ngành nghề cũng từ đó dần chuyển theo. Giai đoạn đầu có thể sẽ gây nhiều tác động, nhưng việc nghiên cứu và phương án thực hiện sẽ kỹ lưỡng, có lộ trình, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên giữa các giải pháp để tạo sự đồng thuận và khả thi nhất.
Tải nặng đã chạy đêm lâu rồi!
Theo ông Lê Phước, chủ doanh nghiệp vận tải ở quận Thủ Đức, hiện nay tại TP HCM khu vực nội đô, giới hạn bởi một "vành đai" các tuyến đường có phạm vi rộng lớn đã cấm xe tải hoạt động khung giờ cao điểm. Với riêng xe tải nặng, thời gian lưu thông trên các tuyến đường nội đô đã áp dụng hoàn toàn vào ban đêm. Còn ban ngày, xe tải nhẹ cũng bị cấm lưu thông tại khu vực này ở các khung thời gian từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ, còn xe tải nặng ban ngày chỉ một số trường hợp được cấp phép lưu thông, chủ yếu để phục vụ các lĩnh vực chuyên ngành như điện, cấp thoát nước, xe vận chuyển nhiên liệu cho sân bay...
"Do đó, thực tế việc chuyển hoạt động vận chuyển hàng hóa về đêm không quá đột ngột bởi vốn đã áp dụng cho các loại xe tải nặng. Nhưng khi chuyển toàn bộ các hoạt động này về đêm, tức tất cả các loại xe tải nhẹ thì đối tượng này cùng các cơ sở kinh doanh, buôn bán sẽ chịu tác động đầu tiên, nhất là ở khâu giao nhận hàng. Do đó, rất cần các giải pháp kèm theo để hỗ trợ" - ông Lê Phước nói. Ông Phước nhấn mạnh nếu ngành chức năng đã có giải pháp hỗ trợ thì nên thực hiện ngay việc chuyển tất cả hoạt động vận tải hàng hóa vào ban đêm.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho rằng việc chuyển toàn bộ hoạt động vận tải hàng hóa về đêm, với các tài xế sẽ không ảnh hưởng nhiều bởi đặc thù nghề nghiệp, họ sẵn sàng lái xe bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, ở đây cũng nảy sinh vấn đề, khi xe vào nội đô giao hàng, nhưng trường hợp chuẩn bị đến ban ngày - thời gian cấm lưu thông, xe sẽ phải nằm chờ suốt ngày và đến đêm mới có thể chạy về chở chuyến hàng tiếp theo. Việc này lại dẫn đến những hệ lụy như nếu không có bến bãi, xe trong lúc chờ sẽ phải đậu liều trên đường, gây ùn tắc, mất an toàn...
Với những phân tích trên, ông Bùi Văn Quản nhấn mạnh chuyển hoạt động vận tải hàng hóa hoạt động về đêm là một trong nhiều giải pháp nhưng nếu thực hiện thì giải pháp liên quan phải thực hiện đồng bộ.
Nâng cao chất lượng sống
Tại buổi làm việc về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2020 ở lĩnh vực giao thông vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đánh giá việc chuyển dần vận tải hàng hóa tại TP về đêm sẽ có tác động không nhỏ, làm tăng một số chi phí như lao động, giá cả... Tuy nhiên, nhìn tổng thể sẽ có hàng loạt yếu tố tích cực khác như giảm chi phí xã hội, mức sống của người dân sẽ tăng lên bởi hiện nay kẹt xe, ô nhiễm đang rất phức tạp.
"Hoạt động vận tải hàng hóa tập trung về đêm thì kinh tế đêm cũng sẽ phát triển. Đương nhiên, khi triển khai, tất cả các vấn đề liên quan phải nghiên cứu kỹ, có lộ trình thực hiện cụ thể" - ông Võ Văn Hoan nói.
CHI TIẾT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI ĐẦU NĂM: https://otoansuong.vn/o-to-an-suong-khuyen-mai-tet-canh-ty-2020
Theo:nld