Sửa quy chuẩn kỹ thuật trung tâm đăng kiểm, tối ưu sử dụng thiết bị kiểm định
Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.
Quy định cụ thể thiết bị kiểm tra tối thiểu của trung tâm đăng kiểm
Điểm đáng chú ý tại dự thảo quy chuẩn mới đó là quy định về các thiết bị kiểm tra tối thiểu của đơn vị đăng kiểm thay vì quy định thiết bị kiểm tra của một dây chuyền kiểm định như tại Quy chuẩn 103/2019 hiện hành.
Dự thảo đề xuất quy định các thiết bị kiểm tra tối thiểu của đơn vị đăng kiểm thay vì quy định thiết bị kiểm tra của một dây chuyền nhằm tối ưu sử dụng các thiết bị kiểm định, giảm chi phí cho đơn vị đăng kiểm.
Theo đó, các thiết bị kiểm tra tối thiểu gồm: Thiết bị kiểm tra phanh; Thiết bị đo độ trượt ngang của bánh xe; Thiết bị phân tích khí xả; Thiết bị đo độ khói; Thiết bị đo âm lượng; Thiết bị kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước; Thiết bị rung lắc (thiết bị hỗ trợ kiểm tra gầm); Thiết bị nâng (cầu nâng) xe cơ giới hoặc hầm kiểm tra.
Trong đó, thiết bị phân tích khí xả không áp dụng với đơn vị đăng kiểm chỉ kiểm định xe trang bị động cơ diesel và xe điện. Thiết bị đo độ khói không áp dụng với đơn vị đăng kiểm chỉ kiểm định xe trang bị động cơ xăng và xe điện.
Các thiết bị phân tích khí xả, đo độ khói, đo âm lượng, kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước có thể dùng chung cho các dây chuyền kiểm định.
Ngoài ra, quy chuẩn sửa đổi cũng quy định rõ thiết bị cân (chỉ áp dụng cho đơn vị đăng kiểm có đăng ký nghiệm thu cải tạo xe cơ giới).
Theo ban soạn thảo, quy định này nhằm giúp các dây chuyền kiểm định có thể dùng chung một số thiết bị và trang bị thiết bị phù hợp với loại phương tiện mà đơn vị đăng kiểm tiến hành kiểm định, cho phép tối ưu sử dụng thiết bị, tránh lãng phí cho các trung tâm đăng kiểm.
Ông Nguyễn Xuân Ước, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 1908D cho biết, việc sửa đổi này rất phù hợp, tạo thuận lợi cho các đơn vị đăng kiểm trong quá trình trang bị, sử dụng thiết bị kiểm định, giúp tiết giảm chi phí, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi hầu hết các trung tâm đăng kiểm đang phải gồng lỗ.
Dự thảo quy chuẩn cũng quy định rõ các thiết bị phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương ứng và phải được trang bị kèm theo bộ dụng cụ kiểm tra, đánh giá (thiết bị, dụng cụ ca líp) phù hợp với kiểu loại thiết bị của đơn vị theo quy định của nhà sản xuất đối với các thiết bị kiểm tra như: thiết bị kiểm tra phanh, thiết bị đo độ trượt ngang của bánh xe, thiết bị đo độ khói
Tuy nhiên, theo các đơn vị đăng kiểm, không nhiều đơn vị cung cấp thiết bị kiểm định có trang bị kèm bộ dụng cụ để hiệu chuẩn thiết bị khi bán cho các đơn vị đăng kiểm. Hiện nay, nếu phải trang bị sẽ gây tốn kém số tiền gần trăm triệu đồng trong khi không sử dụng nhiều, gây lãng phí và khó khăn cho các đơn vị đăng kiểm trong bối cảnh hiện nay.
Về vấn đề này, ban soạn thảo cho biết, đơn vị đăng kiểm có thể trang bị hoặc thuê song theo ông Ước, cần quy định rõ điều này tại quy chuẩn tránh tình trạng phải tranh cãi khi triển khai, tạo thuận lợi cho các trung tâm đăng kiểm.
Về quy định đối với các thiết bị, dự thảo quy chuẩn mới cũng nêu rõ, đối với các thiết bị đã qua sử dụng được trang bị lần đầu thì phải đảm bảo có thời gian tính từ năm sản xuất đến năm trang bị không quá 5 năm nhằm đảm bảo khả thi trong quá trình kiểm tra, đánh giá. Ngoài ra, các thiết bị trang bị phải đảm bảo có chất lượng, hiệu quả sử dụng, tuổi bền cao; tránh việc sử dụng các thiết bị không đảm bảo chất lượng.
Dự thảo quy chuẩn cũng sửa đổi quy định yêu cầu về xưởng kiểm định, vị trí kiểm tra theo hướng không quy định cụ thể về kết cấu, vật liệu, chỉ đưa ra yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng.
Bỏ nhiều quy định gỡ khó cho trung tâm đăng kiểm
Tại yêu cầu về xưởng kiểm định, vị trí kiểm tra, quy chuẩn sửa đổi theo hướng không quy định cụ thể về kết cấu, vật liệu, chỉ đưa ra yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị xây dựng, thành lập trung tâm đăng kiểm khi trang bị cơ sở vật chất.
Đối với quy định vị trí kiểm tra phanh, đã bỏ nội dung: Trường hợp lắp đặt bệ thử phanh trên hầm kiểm tra phải có hệ thống tự động dừng hoạt động của bệ thử phanh khi có người ở dưới hầm; bệ thử phanh được lắp đặt sao cho các thiết bị khác không làm cản trở việc kiểm tra phanh.
Theo ban soạn thảo thực tế các nhà sản xuất thiết bị không thiết kế chức năng này nên không cần thiết phải quy định gây khó khăn cho các đơn vị khi triển khai.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định chi tiết hơn về Chương trình phần mềm quản lý kiểm định, cơ sở dữ liệu kiểm định, nối mạng truyền số liệu và quản lý dữ liệu xe cơ giới kiểm định nhằm phù hợp với thực tế.
Đối với hạ tầng công nghệ thông tin của đơn vị đăng kiểm, dự thảo quy định bao gồm mạng máy tính cục bộ (LAN), mạng máy tính diện rộng (WAN) khuyến khích sử dụng 2 đường kết nối Internet của 2 nhà cung cấp dịch vụ khác nhau; các phần mềm hệ thống có bản quyền như hệ điều hành Windows Server cho máy chủ, Windows cho máy trạm, hệ quản trị cơ sở dữ liệu Microsoft SQL Server và phần mềm cho firewall, phòng chống virus tin học.
Dây chuyền kiểm định phải bố trí camera sử dụng riêng cho việc giám sát kiểm định xe cơ giới; đảm bảo quan sát, lưu trữ được clip, hình ảnh các vị trí kiểm tra trên dây chuyền kiểm định.
Quy chuẩn sửa đổi nêu rõ đơn vị đăng kiểm có trách nhiệm duy trì cơ sở vật chất đã được chứng nhận theo quy định để đảm bảo kết quả kiểm định chính xác, khách quan.
Bổ sung trách nhiệm của Sở GTVT phù hợp với phân cấp
Dự thảo quy chuẩn đã bổ sung trách nhiệm của Sở GTVT kiểm tra, đánh giá lần đầu, định kỳ hàng năm, bổ sung và đột xuất các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật của đơn vị đăng kiểm theo quy định tại quy chuẩn này, phù hợp với quy định tại Nghị định 30/2023 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Ngoài ra, cũng nêu rõ: Trong trường hợp Sở GTVT chưa thực hiện được việc kiểm tra, đánh giá lần đầu, định kỳ hàng năm và đột xuất các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật của đơn vị đăng kiểm theo quy định tại quy chuẩn này thì Sở GTVT có văn bản đề nghị Cục ĐKVN tiếp tục thực hiện nhưng không quá ngày 31/12/2025.
Đối với đơn vị đăng kiểm, quy chuẩn sửa đổi nêu rõ có trách nhiệm: Duy trì cơ sở vật chất đã được chứng nhận theo quy định để đảm bảo kết quả kiểm định chính xác, khách quan; khi thay đổi bố trí mặt bằng, xưởng kiểm định, khu vực kiểm tra và thiết bị kiểm tra phải được Sở GTVT kiểm tra, đánh giá lại.
Chấp hành và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra, đánh giá lần đầu, định kỳ hàng năm và đột xuất.
Ngoài ra còn có trách nhiệm duy trì tính năng kỹ thuật, độ chính xác của thiết bị, bảo dưỡng thiết bị theo khuyến cáo của nhà sản xuất thiết bị
Khi thay đổi về một trong các nội dung về: cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm điều khiển thiết bị hoặc xảy ra sự cố đối với các thiết bị mà có ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của đơn vị kiểm định phải báo cáo Sở GTVT để được xem xét, chấp thuận.
Nguồn: Báo Giao Thông