170 nghìn xe kinh doanh vận tải sẽ lắp camera giám sát
Việc lắp camera trên xe kinh doanh vận tải sẽ giám sát được tài xế có hành động mất ATGT, kiểm soát được tình trạng nhà xe nhồi nhét khách...
Buồn ngủ, nhồi nhét khách dễ gây tai nạn
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, những vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan tới giấc ngủ chiếm tới 30% tổng các vụ trong một năm. Chỉ trong năm 2019, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra do tài xế ngủ gật.
Có thể kể đến vụ tai nạn xảy ra vào 14h ngày 21/1. Tài xế xe tải mệt mỏi và ngủ gật khi lái xe đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang khiến 8 người tử vong tại Hải Dương hay vụ tai nạn tại Quảng Nam lúc 2h30 sáng ngày 30/7 khi xe khách 16 chỗ trên đường đi rước dâu thì va chạm với xe container khiến 13 người tử vong.
Vào ngày 19/1, tài xế điều khiển ô tô khách loại 29 chỗ ở Vĩnh Long buồn ngủ đã tông tử vong người đi xe máy đang chạy cùng chiều phía trước.
Tình trạng nhồi nhét trên xe khách những ngày trước, sau Tết luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người, hành vi này được đánh giá gây nguy cơ cao mất ATGT, nếu không may xảy ra tai nạn, con số thương vong sẽ rất lớn.
Nhà tài trợ
Đơn cử, ngày 21/1 vừa qua (27 Tết), CSGT tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ, lập biên bản xử lý một xe khách chở gấp đôi số người quy định. Xe khách giường nằm chỉ có 46 chỗ nhưng nhồi nhét đến 99 người. Hay vào ngày 4/2, Đội CSGT số 9, Công an Hà Nội đã xử phạt gần 100 triệu đồng đối với ô tô khách tuyến cố định chạy Quảng Ninh - Lai Châu chở quá số người quy định 78/47 hành khách lưu thông trên tuyến QL3.
Đánh giá về vấn đề này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng nhìn nhận, có 3 hành vi là nguyên nhân chính khiến lái xe ô tô kinh doanh vận tải gây TNGT đó là sử dụng điện thoại di động hoặc xem phim; buồn ngủ, mất tập trung do mỏi mệt và lái xe có hành vi bất thường như ăn uống, đùa nghịch.
“Nhiều nước phát triển đã giám sát lái xe từ lâu, còn chúng ta, mới đây ngoài giám sát lái xe đã quy định giám sát toàn bộ trong xe. Bên cạnh việc phòng chống các nguy cơ khủng bố, tình trạng trộm cắp thì việc giám sát trong xe còn để xử lý tình trạng nhồi nhét khách gây mất ATGT”, ông Hùng nói.
Việc lắp camera trước tiên là giúp chính doanh nghiệp kiểm soát được hành vi của lái xe, lái xe có buồn ngủ, có nghe điện thoại hay có những hành vi bất thường hay không, qua đó giúp đảm bảo lái xe tập trung tuyệt đối khi điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng giám sát được trong xe có chở quá số người quy định hay không, giải quyết triệt để tình trạng nhồi nhét khách xảy ra thường xuyên như hiện nay. Khi có dữ liệu từ doanh nghiệp gửi về, cơ quan quản lý có thể xử phạt nguội.
“Việc lắp camera giám sát tài xế và giám sát trên xe là quy định phù hợp với yêu cầu của thực tiễn để giám sát, phát hiện và ghi nhận tình các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông của lái xe nhằm giúp cho người điều hành cảnh báo, giáo dục, ngăn ngừa vi phạm của lái xe hay phục vụ, phòng tránh tai nạn xảy ra. Đồng thời, đề xuất những cải thiện về quy định trong đào tạo kỹ năng lái xe, quy định về điều kiện lao động đối với lái xe và cung cấp chứng cứ cần thiết cho công tác điều tra tai nạn cũng như việc phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật khác của lái xe và người trên xe”, ông Hùng nói.
Cần có quy chuẩn cho camera
“
Nghị định 10 thay thế Nghị định 86/2014 quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô quy định: Trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét. Hình ảnh camera trên xe phải được truyền với tần suất từ 15 - 20 lần/giờ (tương đương từ 3 - 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị quản lý nhà nước có thẩm quyền. Dữ liệu hình ảnh phải được cung cấp kịp thời, chính xác, không được chỉnh sửa hoặc làm sai lệch trước, trong và sau khi truyền.
”
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, số lượng xe kinh doanh vận tải thuộc diện phải lắp camera là khá lớn.
Vì vậy, giải pháp về công nghệ để sử dụng dữ liệu từ camera phục vụ công tác quản lý và xử lý vi phạm cần phải có quá trình để hoàn thiện.
Cần phải có lộ trình để đưa ra các tiêu chí kỹ thuật đối với camera, camera sẽ ghi nhận những nội dung gì, những vi phạm đó được căn cứ theo quy định pháp luật nào và việc sử dụng dữ liệu đó để xử phạt cần xây dựng chế tài.
“Việc áp dụng phát huy hiệu quả hình ảnh từ camera cần quá trình nghiên cứu hoàn thiện về thể chế, hoàn thiện về mặt quy chuẩn kỹ thuật mới phát huy hiệu quả. Nội dung camera ghi nhận là những nội dung gì, hành ảnh ghi nhận được nhằm mục tiêu xác định vi phạm gì và dựa trên căn cứ pháp luật nào trong Nghị định chưa nêu cụ thể và cần có quy định chi tiết, cụ thể hơn trong các Thông tư hướng dẫn của Bộ GTVT”, ông Quyền nói.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên cho biết, doanh nghiệp đã triển khai lắp camera phục vụ công tác quản lý tài xế, theo dõi hành khách từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, đường truyền internet hiện chưa được tốt nên dữ liệu truyền về chập chờn. Khi nào mạng 5G phát triển hình ảnh truyền đã sẽ đảm bảo chất lượng.
“Vấn đề quyền riêng tư của hành khách cũng cần xem xét, quy định sử dụng hình ảnh như thế nào trong Thông tư hướng dẫn của Bộ GTVT.
Ngoài thiết bị, kinh phí để thuê đường truyền và thiết bị lưu trữ sẽ mất chi phí lớn, nếu có cả trăm xe chi phí hàng tháng lên đến tiền tỷ nên cần có lộ trình phù hợp. Tốt nhất nên thí điểm thử nghiệm trước khi triển khai lắp đại trà như quy định hiện nay”, ông Tùng nói.
Ông Trần Quốc Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàn Cầu cho rằng rất cần hướng dẫn cụ thể, chính xác và không thay đổi về kỹ thuật để doanh nghiệp lựa chọn đầu tư. Tránh mua sắm thiết bị rồi phải đầu tư lại vì hiểu chưa đúng quy chuẩn hoặc quy định thay đổi.
Định hình văn hóa sử dụng camera trong quản lý vận tải
Theo ông Khuất Việt Hùng, trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ định hình văn hóa mới trong quản lý kinh doanh vận tải.
Khi hoàn thiện các quy định pháp luật, tất cả xe kinh doanh vận tải đã có camera, vòng đời camera khoảng 2,5 năm, khi có Luật Giao thông đường bộ mới và Nghị định hướng dẫn sẽ đưa ra lộ trình lắp camera mới phù hợp với vòng đời thực tế kỹ thuật của camera, khi đó doanh nghiệp đã có văn hóa sử dụng camera.
Đồng thời, công nghệ phát triển, camera được áp dụng trí tuệ nhân tạo có thể tự phân tích hình ảnh, tự cảnh báo, tốc độ, khả năng lưu trữ trên không gian mạng lớn, chi phí lưu trữ cho doanh nghiệp sẽ giảm. Nghĩa là việc lọc thông tin sẽ được thực hiện ngay từ camera và chỉ gửi những thông tin cần thiết, khi đó sẽ tiết kiệm, giải quyết được chi phí đường truyền và lưu trữ cho doanh nghiệp.
Trước lo lắng doanh nghiệp có thể can thiệp chỉnh sửa dữ liệu, ông Hùng cho rằng, với sự phát triển của công nghệ hiện nay không khó để phát hiện hành vi này. Doanh nghiệp nào vi phạm phải chịu trách nhiệm.
“Bộ GTVT cần khẩn trương ban hành quy chuẩn kỹ thuật của camera để doanh nghiệp áp dụng, quy chuẩn nên đơn giản để tạo thói quen cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý Nhà nước. Việc ứng xử thế nào với dữ liệu khổng lồ được doanh nghiệp gửi về cũng cần phải chuẩn bị”, ông Hùng nói.
170 nghìn xe sẽ lắp camera giám sát, mỗi xe lắp 2 camera
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, tổng số phương tiện dự kiến phải lắp camera khoảng 170.000 xe (100.000 xe khách, 70.000 xe container và đầu kéo), số lượng camera dự kiến lắp trên xe bình quân là 2 chiếc/xe.
Tổng cục Đường bộ đã xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 63 hướng dẫn về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô; quy định về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Chương 3 của dự thảo quy định, hướng dẫn cụ thể về yêu cầu kỹ thuật và hướng dẫn lắp đặt camera trên xe ô tô; Quy định về cung cấp dữ liệu hình ảnh từ camera; Quy định và hướng dẫn về quản lý, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô.
“Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ VN, Sở GTVT, DN vận tải trong đầu tư, xây dựng hệ thống thông tin, quản lý, nâng cấp, bảo trì trang thiết bị phần cứng, phần mềm, đường truyền dữ liệu hoặc thuê dịch vụ công nghệ thông tin để tiếp nhận, lưu trữ và khai thác sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe. Hiện, dự thảo Thông tư đang được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ GTVT, đề nghị các doanh nghiệp đóng góp ý kiến trước khi ban hành", ông Thủy nói.
CHI TIẾT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI ĐẦU NĂM: https://otoansuong.vn/o-to-an-suong-khuyen-mai-tet-canh-ty-2020
Theo:baogiaothong