Nghỉ lễ dài ngày, cần kiểm tra những bộ phận sau để có chuyến đi an toàn
Kỳ nghỉ lễ dài ngày như 30/4-1/5 sắp tới là dịp để nhiều gia đình về quê hay đi du lịch bằng ô tô cá nhân. Chỉ cần bớt chút thời gian và để ý một số bộ phận dưới đây sẽ giúp chuyến đi của bạn trở nên an tâm hơn nhiều.
Những chuyến đưa cả gia đình về quê hay dã ngoại dài ngày dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới luôn đòi hỏi chiếc xe của bạn phải ở trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất.
Nếu có điều kiện, bạn nên đưa "xế yêu" của mình đến gara để kiểm tra tổng thể. Còn nếu không, hãy chú ý đến một số bộ phận dưới đây để chuyến đi được an tâm, an toàn:
1. Lốp xe
Lốp xe là một trong những bộ phận cực kỳ quan trọng và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra những trục trặc cho chuyến đi, nhất là trên những cung đường xấu, đường nông thôn, đường đèo núi,... Do đó, trước khi đi xa, kiểm tra lốp là điều hết sức cần thiết.
Các lốp xe phải đủ hơi với chỉ số áp suất theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Nếu lốp của bạn quá mòn hoặc đã hết date, đừng tiếc rẻ mà hãy thay ngay những chiếc lốp mới để yên tâm đi trong dịp nghỉ lễ. Các chuyên gia khuyên rằng, lốp ô tô chỉ nên dùng liên tục dưới 5 năm và không quá 10 năm sau ngày sản xuất.
Bạn cũng cần kiểm tra cả lốp dự phòng và đồ thay lốp, đảm bảo lốp đủ hơi và còn hoạt động tốt. Phòng trường hợp không may bị thủng lốp giữa đường, nhiều người cũng trang bị thêm một chiếc bơm mini để sẵn trong xe, có thể bổ sung hơi khi cần thiết.
Nhà tài trợ
XE TẢI VAN TERA 2 CHỖ ĐỘNG CƠ MITSUBISHI
2. Ắc quy
Vấn đề về ắc quy có thể dẫn tới những phiền phức bất thình lình khi chiếc xe của bạn khó nổ hoặc không thể nổ được. Do vậy, trước mỗi chuyến đi dài, bạn nên mở nắp ca-pô, quan sát bên ngoài ắc quy xem có bị phồng, biến dạng hay sùi ở các cọc ắc quy hay không.
Nếu xuất hiện các hiện tượng trên, bạn nên thay ngay một bình ắc quy mới. Ngoài ra, ắc quy cũng được thay thế định kỳ sau khoảng 2-3 năm sử dụng.
3. Nước làm mát
Nước làm mát là thành phần cực kỳ quan trọng giúp làm mát động cơ. Khi bị rò rỉ nước, nắp bình nước phụ không kín khít hay bục đường ống, chiếc xe của bạn sẽ bị hết nước. Hệ quả của điều này là nhiệt độ động cơ tăng rất cao dẫn đến bó máy và nằm đường, nặng hơn có thể dẫn tới hỏng máy, phải sửa chữa rất tốn kém.
Để khắc phục tối đa rủi ro này, bạn có thể kiểm tra nước làm mát bằng cách mở nắp bình nước phụ và kiểm tra mức nước xem còn ở mức an toàn hay không? Nếu ít hơn mức Min, bạn cần bổ sung nước làm mát đúng chủng loại ngay lập tức.
Ngoài ra, cũng nên kiểm tra ở phía gầm xe và các dây dẫn xem có hiện tượng rò rỉ nước làm mát không. Nếu có, phải đưa xe đến gara để khắc phục ngay.
4. Dầu nhớt
Dầu nhớt cũng là hạng mục cần kiểm tra, bổ sung trước mỗi hành trình dài. Dầu máy còn quá ít hoặc không đạt chất lượng có thể khiến xe hoạt động bị "ì", để lâu dài có thể làm hỏng các bộ phận của động cơ.
Giống như nước làm mát, mức dầu máy cũng được kiểm tra dễ dàng thông qua que thăm dầu. Nếu dầu máy ở dưới mức min, bạn nên bổ sung dầu ngay lập tức bằng loại dầu phù hợp.
Dầu máy được thay mới khoảng 5.000km-10.000 km tuỳ vào loại dầu và tình trạng xe. Bạn nên thay dầu định kỳ đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất để máy hoạt động được trơn tru và ổn định nhất.
5. Phanh xe
Hệ thống phanh của ô tô có liên quan trực tiếp đến khả năng xử lý tình huống và đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe. Do vậy, trước mỗi chuyến đi xa, hệ thống này cũng cần được kiểm tra kỹ lưỡng.
Nếu thấy bàn đạp phanh có vấn đề, quá mềm hoặc quá cứng; đèn cảnh báo hệ thống phanh bật sáng, có tiếng động lạ phát ra liên tục từ hệ thống phanh,… bạn nên đưa xe vào gara để kiểm tra. Ngoài ra, nếu có thể nên kiểm tra cả tình trạng của má phanh và dầu phanh.
6. Lọc gió
Khi lọc gió quá cũ hoặc quá bẩn sẽ dẫn tới tình trạng tiêu tốn nhiều năng lượng, nhanh nóng máy. Lọc gió cần được tháo ra và làm sạch thường xuyên. Nếu lọc gió của bạn đã quá cũ, đừng ngại ngần thay mới chúng.
7. Các loại dây đai, pu-ly
Các trục trặc liên quan đến dây đai (dây cu-roa), pu-ly trên một số xe cũng rất nghiêm trọng và thường xảy ra bất thình lình. Khi đứt dây cu-roa, chiếc xe của bạn ngay lập tức “nằm im” và cách duy nhất là gọi cứu hộ.
Theo các chuyên gia, việc đứt dây cu-roa trên một số dòng xe còn gây nên những hỏng hóc nghiêm trọng khác liên quan đến máy như nứt mặt máy, vỡ máy,... Do đó, các loại dây đai, pu-ly cũng cần phải được ưu tiên kiểm tra.
Khi thấy bề mặt dây cu-roa có xuất hiện vết nứt, dão,..., hãy hỏi các chuyên gia hoặc mang chiếc xe của mình vào vào gara để kiểm tra ngay.
8. Hệ thống đèn
Hệ thống đèn trên chiếc xe ô tô bao gồm khá nhiều loại: Đèn chiếu sáng (pha, cos), đèn xi-nhan, đèn gầm, đèn chiếu hậu, đèn phanh, đèn soi biển số. Hãy bật tất cả các loại đèn và kiểm tra một lượt để chắc chắn rằng chúng còn hoạt động tốt, kể cả đèn phanh và đèn soi biển số.
Những trục trặc về đèn không mấy ảnh hưởng đến sự vận hành của chiếc xe nhưng lại ảnh hưởng lớn đến điều kiện an toàn khi lái xe, đặc biệt là vào ban đêm ở miền núi, nông thôn và nơi có thời tiết xấu. Ngoài ra, nếu một trong những bóng đèn trên chiếc xe bị hỏng còn có thể bị CSGT dừng xe để xử phạt rất phiền phức.
QUÝ KHÁCH CÓ THỂ THAM KHẢO CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI VÀ CHI TIẾT GIÁ XE TẢI VAN CÁC LOẠI TẠI ĐÂY
Theo:vietnamnet